Đối với chị em phụ nữ, có lẽ nhuộm tóc đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc làm đẹp. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng biết về những hiểm họa tiềm ẩn đằng sau những loại thuốc này, chúng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho người làm tóc và người được làm tóc. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc về các tác hại của thuốc nhuộm tóc nói chung và các nguy cơ mà con người có thể gặp phải khi ngửi mùi thuốc nhuộm tóc thường xuyên. Sau bài viết này, hi vọng rằng, giữa sức khỏe và làm đẹp, chị em sẽ cân nhắc được điều gì là quan trọng hơn.
Các thành phần hóa học có trong thuốc nhuộm tóc
Trong thuốc nhuộm tóc có nhiều thành phần khác nhau trong đó có cả các chất hóa học và các thảo dược thiên nhiên. Với các thành phần thảo dược như con mực, đậu đen, cây cỏ ngọt, lá cây henna, … người dùng không cần lo ngại vì chúng rất thân thiện và không gây hại cho con người. Tuy nhiên, với các chất hóa học tồn tại trong thuốc nhuộm thì lại khác, chúng để lại nhiều mối lo hơn những gì chúng ta nghĩ. Các thành phần đó là:
- Para-phenylenediamin (C6H8N2): Đây là loại hóa chất chiếm thành phần chính trong thuốc nhuộm tóc với công dụng là làm cho tóc lên màu như mong muốn. Chất này được làm từ nhựa than đá, một hóa chất từ dầu khí bao gồm benzen, naphtalen, phenol, anilin, và các hóa chất khác.
- Hydrogene peroxide (H2O2): Trong thuốc nhuộm tóc, chất này có vai trò tẩy màu tóc tự nhiên để lên màu tóc mới.
- Ammonia (NH3): Người ta thường gặp chất này ở trong nước tiểu mà không biết rằng chúng có thể mở lớp biểu bì của tóc (lớp ngoài của tóc) để chất tạo màu có thể đi vào bên trong của tóc. Chính vì vậy, trong thuốc nhuộm tóc, người ta cũng sử dụng thêm Ammonia
- DMDM hydantoin (C7H12N2O4): Chất hóa học này tồn tại trong thuốc nhuộm nhằm làm chậm quá trình giải phóng hóa chất độc hại formaldehyde (CH2O), giúp màu tóc được lâu hơn.
- Paraben: Đây là một chất bảo quản, được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm. Với thuốc nhuộm tóc, người ta sử dụng 2 chất có nguồn gốc Paraben đó là methylparaben và propylparaben. 2 chất hóa học này có vai trò kháng khuẩn và kháng nấm, bảo vệ da đầu của con người.
- Chì acetate (Pb(CH3COO)2.3H2O): Chất hóa học này có vai rò tạo màu đối với các loại thuốc dùng để nhuộm màu trầm.
- Resorcinol (C6H6O2): Chất hóa học hữu cơ này có vai trò bảo vệ da đầu, tránh nhiễm trùng da do virus.
Như vậy, có thể thấy thuốc nhuộm tóc có rất nhiều thành phần khác nhau. Ngoài những thành phần trên, trong thuốc nhuộm tóc còn tồn tại nhiều hóa chất khác. Rõ ràng, trong số những chất hóa học này, có những chất được coi là có lợi nhưng cũng có những chất để lại những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe người sử dụng.
Những hệ quả mà con người gặp phải khi ngửi mùi thuốc nhuộm tóc thường xuyên
Với các thành phần hóa học trên của thuốc nhuộm tóc, ngoài việc tác động trực tiếp nên da đầu của người sử dụng, thuốc nhuộm tóc còn gây hại cho con người thông qua đường hô hấp. Nếu như thuốc nhuộm tóc được bôi trực tiếp lên da đầu, chúng sẽ ngấm vào chân tóc, mô tóc sau đó đi vào đường máu và gây ra những căn bệnh khác nhau như: kích ứng da đầu, đỏ mắt, rối loạn nội tiết tố, trầm cảm, đau đầu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch, ung thư vú, ung thư bàng quang và gây hệ quả cho cả thai nhi nếu trước hoặc trong quá trình mang thai bà mẹ sử dụng thuốc nhuộm tóc. Đối với việc ngửi mùi thuốc nhuộm tóc thường xuyên, người dùng cũng không tránh khỏi nguy cơ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm. Cụ thể như sau:
- Bỏng niêm mạc: Với chất Ammonia (NH3) tồn tại trong thuốc nhuộm tóc được đánh giá là một loại khí độc, khi con người hít phải chất này thường xuyên, chúng sẽ tác động đến niêm mạc và gây bỏng. Trong một số trường hợp, chúng còn gây ra kích ứng mắt.
- Kích ứng mũi họng: Khi hít phải Ammonia trong thuốc nhuộm thường xuyên, chất khí này sẽ xâm nhập vào bên trong cơ thể, tác động trực tiếp đến mũi và họng và gây ra những vấn đề khác nhau cho đường hô hấp.
- Bệnh về đường hô hấp: Ngoài Ammonia gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, chất DMDM hydantoin, Para-phenylenediamin có trong thuốc nhuộm cũng được đánh giá là chất độc hại, có thể gây kích ứng hô hấp, khiến tim đập nhanh, cảm cúm, ho lâu dài hay mắc bệnh hen suyễn, khó thở, buồn nôn nếu như con người thường xuyên hít phải chúng.
- Bệnh về máu: Lượng chì acetate tồn tại trong thuốc nhuộm tóc thường xuyên thâm nhập vào cơ thể qua hệ hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp đều có thể làm giảm hồng cầu, gây ra các vấn đề về máu, khiến người bệnh đau đầu, chóng mặt, còi xương ở trẻ em, liệt dây thần kinh, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ung thư.
Với những ảnh hưởng nghiêm trọng nêu trên của thuốc nhuộm tóc, các chị em phụ nữ nói riêng và những người thường xuyên tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc nói chung cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mình trước khi quá muộn.