“Thuốc lá độc hại”, ai cũng biết nhưng không phải ai biết thuốc lá độc hại cũng có thể từ bỏ chúng. Chính vì vậy, mặc dù các phương tiện truyền thông, các cơ quan chức năng, thậm chí là trên bao bì thuốc lá đều khuyến cáo về hệ quả của hút thuốc lá nhưng tỉ lệ tiêu thụ vẫn cao, mỗi năm, số người chết vì thuốc lá vẫn ở mức không hề nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ cùng các bạn nhìn lại những vấn đề xoay quanh thuốc lá. Hi vọng, những thông tin này góp phần cảnh tỉnh để những ai đang coi thuốc lá là bạn có thể từ bỏ chúng.
Thuốc lá và những con số biết nói
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có gần 6 triệu người chết vì thuốc lá trong đó có khoảng 5 triệu người chết vì hút thuốc trực tiếp và 600 người chết vì hút thuốc thụ động.
Cũng theo tổ chức này, trong thập kỷ 20, khói thuốc đã cướp đi sinh mạng của 100 triệu người. Nếu không có sự kiểm soát kịp thời, con số này sẽ đạt mức 1 tỷ trong thế kỷ 21.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì hút khói thuốc lá, gấp khoảng 3,5 lần số với những người tử vong vì tai nạn giao thông.
Trong khói thuốc lá có gì?
Theo kết quả nghiên cứu, trong khói thuốc lá có chứa 7000 chất hóa học khác nhau. Trong đó, có một số chất điển hình và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Cụ thể như sau:
Nicotine: Đây là chất hóa học đầu tiên tồn tại trong thuốc lá mà chúng ta phải kể đến. Ngoài tác hại là gây nghiện, chất này còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhịp tim, huyết áp và sự lưu thông máu.
Hắc ín (Tar): Hắc ín là tên gọi chung của các chất tồn tại trong khói thuốc có khả năng lắng lại, tạo thành chất dính và nhầy. Khi vào trong cơ thể, chúng sẽ bám vào khoang chứa khí của phổi.
Carbon monoxide (khí CO): Khí CO cũng có mặt trong khói thuốc, khi con người hít phải, chúng sẽ làm giảm khả năng vận chuyển oxy (O2) của hồng cầu.
Benzene (C6H6): Chất này thường được tìn thấy trong dầu khí, thuốc trừ sâu, và trong thuốc lá với nồng độ không hề nhỏ.
Nitrosamines: Đây là một chất hóa học hữu cơ, gồm nhiều nguyên tử Nito kết hợp với nhau và gây độc hại cho con người.
Ammonia (NH3): Loại chất này thường có mặt trong thuốc kích thích tăng trưởng và các sản phẩm tẩy rửa.
Formaldehyde (CH2O): Đây là chất có nhiều trong dung dịch ướp xác, tác động trực tiếp đến mũi, họng và mắt của người tiếp xúc.
Hydrogen Cyanide (HCN): Loại khí này từ lâu đã được xác định là độc hại và thường xuất hiện trong khí thải công nghiệp.
Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH): Chất hóa học này không chỉ tồn tại trong khói thuốc mà còn có mặt trong dầu đi ê zen và sản phẩm đốt cháy khác.
Các căn bệnh mà con người có thể mắc phải khi hít phải khói thuốc
Với sự tồn tại của các chất độc hại trên, khi hít phải khói thuốc lá (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp), con người sẽ có nguy cơ mắc phải các căn bệnh sau:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn (BPTNM): khi mắc căn bệnh này, phổi bị phá hủy dần. Ban đầu, chúng chỉ gây khó thở nhưng sau đó, người bệnh sẽ mất dần khá năng vận động và cuối cùng là tử vong.
- Ung thư: người hút thuốc lá có tỉ lệ bị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng cao hơn từ 3 đến 7 lần so với người bình thường.
- Xơ vữa động mạch
- Nhồi máu cơ tim
- Tai biến mạch máu não
- Đột tử
- Liệt dương, vô sinh
- Loãng xương
- Xẹp cột sống
- Đối với phụ nữ mang thai, khói thuốc có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh
- Tóc dễ bị bạc và rụng nhiều hơn
- Viêm chân răng
- Giảm khả năng nghe.
- Bị viêm loét dạ dày.
- Giảm hocmon tuyến giáp…
Như vậy, khói thuốc rất độc hại, chúng không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn gây hại cho chính những người thân trong gia đình. Do đó, những người đang sử dụng thuốc lá hàng ngày, hãy áp dụng các biện pháp cai thuốc, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với người thân và toàn cộng đồng bằng cách:
- Từ bỏ thuốc lá là bảo vệ sức khỏe bản thân và những người sống chung quanh bạn
- Không hút thuốc lá trong nhà, phòng làm việc.
- Không hút thuốc lá tại nơi công cộng.
- Không hút thuốc lá khi có sự xuất hiện của phụ nữ mang thai và trẻ em.
Ngoài ra, tại mỗi gia đình, ở nơi công cộng cũng cần sử dụng các biện pháp nhằm loại bỏ, tiêu hủy mùi khói thuốc để ngăn ngừa tối đa hệ quả không mong muốn mà khói thuốc có thể gây ra.